Bạn - một người chơi hệ "cày phim" chính hiệu, mong muốn vừa được xem những cuốn phim mình yêu thích và đồng thời vừa giúp bạn học tiếng Anh hiệu quả. Tuy nhiên, bạn lại không biết bộ phim nào sẽ giúp bạn học tốt tiếng Anh; nếu tìm được một list phim ưng ý thì lại xem không hiểu nhân vật trong phim đang nói gì...
Đây là một tình trạng khá phổ biến ở những người mới bắt đầu học tiếng Anh theo phương pháp xem phim ảnh. Dẫu vậy bạn cũng đừng nên quá lo lắng. Vì chúng mình ở đây để chia sẻ 4 cách giúp bạn học tiếng Anh qua phim ảnh hiệu quả nhất dành riêng cho bạn.
Nào chúng mình bắt đầu thôi nhé!
1. Lựa chọn một bộ phim thú vị
Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu! Muốn việc học tiếng Anh qua phim ảnh hiệu quả nhất, khâu chọn phim nắm giữ điều kiện tiên quyết bởi vì 2 lý do chính sau:
- Động lực: Một bộ phim thú vị sẽ lôi cuốn bạn, tạo cho bạn cảm giác muốn tiếp tục xem mãi. Cho dù trong suốt quá trình, bạn có thể sẽ gặp không ít từ vựng, câu nói mà bạn chưa hiểu được toàn bộ ý nghĩa của chúng, nhưng vì sức hấp dẫn của bộ phim làm bạn không thể chối từ mà xem tiếp! Bạn có thể bỏ ra 1 giờ đồng hồ hoặc hơn thế để vừa xem phim vừa học tiếng Anh hiệu quả mà không gây nhàm chán.
- Ghi nhớ: Một bộ phim thú vị sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng bạn. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại Học Inowa (Mỹ) cho thấy rằng thông thường, con người có trí nhớ về hình ảnh hoặc trí nhớ cảm xúc tốt hơn so với trí nhớ từ ngữ – logic hoặc vận động. Vậy nên, những chi tiết của cảnh phim gây ấn tượng trong chúng ta sẽ giúp mình nhớ từ vựng, câu nói hay điểm ngữ pháp một cách lâu dài hơn.
Lưu ý: Bạn không nhất thiết phải chọn một bộ phim bằng tiếng Anh để học tiếng Anh. Thực tế, bạn hoàn toàn có thể xem bộ phim bạn yêu thích (dù ở ngôn ngữ nào) với phụ đề song ngữ hoặc tốt hơn là thuyết minh tiếng Anh để đạt hiệu quả tối ưu.
Học thành ngữ thông qua phim ảnh cùng Study Space trên Tiktok
@toeic.studyspace.vn
2. Đừng cố gắng dịch từng câu chữ sang tiếng Việt
Đây là một thói quen mà mỗi chúng ta cần hạn chế để học tiếng Anh qua phim ảnh hiệu quả nhất. Không có việc gì nản hơn việc xem một bộ phim và phải liên tục sử dụng từ điển để tra từ mới. Thay vào khiến bản thân phụ thuộc vào cuốn từ điển, chúng mình hãy thử pause bộ phim mỗi khi nghe thấy một từ bạn không hiểu. Tiếp theo, tự hỏi mình những câu hỏi về ngữ cảnh mà từ đó đã được sử dụng, chẳng hạn:
- Từ đó được sử dụng mang nghĩa tích cực hay một tiêu cực?
- Điều gì đã xảy ra trong cảnh phim trước đó?
- Điều gì sắp diễn ra ở cảnh phim tiếp theo?
Bằng cách tự hỏi bản thân những câu hỏi về từ mới đó, bạn không chỉ đang suy luận để nắm được ý nghĩa của từ mà bạn còn đang rèn luyện bộ não của mình phán đoán tình huống nhanh chóng hơn.
3. Phương pháp shadowing
Shadowing là một kỹ thuật rất hiệu quả vì bạn sẽ nhại lại lời của speaker. Nó sẽ giúp ích khi bạn muốn luyện tập ngữ điệu, nhịp điệu và cách phát âm của người bản địa. Khác với việc nghe và lặp lại, trong kỹ thuật shadowing, bạn sẽ không cần đợi nghe hết cả câu và sau đó mới nhắc lại những gì speaker nói. Thay vào đó, bạn và speaker (ở đây là nhân vật trong phim), cả hai gần như sẽ nói đồng thời.
Cụ thể, trong mỗi câu thoại có trong phim, bạn hãy cố gắng bắt chước ngữ điệu, cách ngắt từ, cụm từ, câu... của nhân vật:
- Vừa nghe vừa nhìn vào phụ đề/transcript và đọc. Pause cảnh phim lại và tập cho đến khi nào cảm thấy khá ổn.
- Phát lại cảnh phim vừa rồi và nói song song với nhân vật cho tới khi nào bạn thấy hài lòng.
- Tắt audio hoặc chuyển âm lượng video về 0, sau đó, đọc phụ đề/transcript để xem tốc độ nói của mình có khớp với nhân vật hay chưa. Ở bước này, bạn có thể ghi âm lại giọng đọc của mình để dễ dàng so sánh với cách diễn viên nói.
- Lập lại 3 bước trên với những câu thoại tiếp theo.
Ngay khi mới tập, bạn sẽ cảm thấy mất kiên nhẫn, chán nản và khó làm theo. Đừng vội vàng từ bỏ, hãy cố gắng duy trì thói quen luyện tập mỗi ngày. Đó là lý do vì sao chúng mình khuyên bạn nên chọn những video hài hoặc bộ phim bạn yêu thích để có nhiều hứng thú, động lực hơn.
4. Hãy xem lại mà không cần dùng đến phụ đề
Trong lần xem đầu tiên, bạn có thể xem phim với phụ đề tiếng Việt. Tuy nhiên, ở lần xem tiếp theo, hãy cho bản thân mình cơ hội để thử thách với xem phim không phụ đề bằng cách tắt chúng đi.
Tất nhiên là ở lần xem này sẽ không quá khó khăn vì bản thân chúng mình đã xem bộ phim trước đó nên cũng đã nắm được kha khá mạch phim. Tắt phụ đề để bạn có thể dành thời gian tập trung vào việc luyện nói với kỹ thuật shadowing. Đồng thời, xem phim không phụ đề sẽ là một phép thử hiệu quả kiểm tra xem liệu bản thân chúng ta hiểu được bao nhiêu phần trăm nội dung bộ phim bằng khả năng của mình.
Có thể bạn quan tâm: 3 tựa phim giúp nâng trình tiếng Anh cho người mới bắt đầu
Và đó là tất cả những tips Study Space chúng mình muốn chia sẻ về 4 cách giúp bạn học tiếng Anh qua phim ảnh hiệu quả nhất. Study Space hy vọng, sau khi trải nghiệm phương pháp học tiếng Anh qua phim ảnh, bạn sẽ biết thêm một bí quyết học tiếng Anh hiệu quả, để tự tin nói tiếng Anh như người bản xứ.